Lịch sử Formosa_thuộc_Hà_Lan

Bối cảnh

Pescadores (Bành Hồ), Bản đồ thế kỷ 18 của Hà Lan

Vào đầu thế kỷ thứ 17, các lực lượng Công giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đối lập với các lực lượng Anh và Hà Lan (cả hai nước đều chủ yếu theo đạo Tin Lành), và điều này thường dẫn đến các cuộc chiến tranh trên phạm vi rộng tại châu Âu và những nơi chiếm hữu của họ ở châu Á. Người Hà Lan đã lần đầu tiên cố gắng giao thương với Trung Quốc vào năm 1601[2] song đã bị giới cầm quyền Trung Quốc khước từ, trong khi đó, Trung Quốc lại giao thương với người Bồ Đào Nha tại Macau từ năm 1535. Trong một cuộc viến chinh vào năm 1604 từ Batavia (căn cứ trung tâm của Hà Lan tại châu Á), Đô đốc van Warwijk ban đầu định tiến đánh Macau, song quân của ông đã phải hứng chịu ảnh hưởng từ một cơn bão nhiệt đới, và cơn bão đưa họ đến Pescadores (nay gọi là Bành Hồ). Khi đó, đô đốc đã cố gắng thương lượng các điều khoản thương mại với người Trung Quốc tại đại lục, song lại bị đòi một khoản phí quá cao để có đặc ân gặp được nhà chức trách Trung Quốc. Vây quanh đội tàu Hà Lan là một hạm đội Trung Quốc mạnh hơn hắn, Đô dốc vì thế đã dời đi mà không đạt được mục đích của mình.[3]

Năm 1622, sau một cuộc tấn công thất bại vào Macau, hạm đội Hà Lan lại khởi hành đi Bành Hồ, lần này là đã định trước, và người Hà Lan đã lập một căn cứ tại Mã Công. Họ xây dựng một pháo đài tại Mã Công bằng các lao công cưỡng bức từ số cư dân người Hoa địa phương; hoạt động giám sát của người Hà Lan được ghi lại là rất khắt khe và khẩu phần ăn ít ỏi đã khiến 1.300 trong số 1.500 nô lệ người Hán đã chết trong quá trình xây dựng.[4] Tuy nhiên, chính quyền nhà Minh đã cảnh báo người Hà Lan rằng Bành Hồ là lãnh thổ Trung Quốc, và khẳng định người Hà Lan hãy di chuyển đến đảo Đào Loan và lập căn cứ của mình tại đó. Cùng năm đó, một tàu mang tên Sư tử Vàng (tiếng Hà Lan: Gouden Leeuw) đã bị đắm tại đảo Tiểu Lưu Cầu ở ngoài khơi bờ biển tây namc ủa đảo chính Đài Loan; những người còn sống sót đã bị cư dân bản địa thảm sát.[5] Năm sau đó, tức 1623, các thương nhân Hà Lan đi tìm kiếm một căn cứ nữa tại châu Á đã lần đầu tiên đặt chân lên đảo Đài Loan, họ có ý định biến hòn đảo thành một trung tâm trong hoạt động giao thương của Hà Lan với Nhật Bản và các khu vực ven biển Trung Quốc.

Những năm đầu (1624–1625)

Quyết định lập căn cứ tại Đài Loan và theo thông lệ vào thời điểm đó, nhà Hà Lan cho xây dựng một pháo đài phòng thủ để làm căn cứ cho các hoạt động của mình. Pháo đài được xây dựng trên một bán đảo cát tại Tayouan (tiếng Hán là 大員, Đại Viên)[6] (nay là quận An Bình, Đài Nam). Địa điểm được chọn có thể tiếp cận từ biến và có và một nơi thuận lợi trong phòng thủ, song lại thiếu nước sạch, vì thế người ta phải vận chuyển nước từ sâu trong đất liền ra.[6]

Phát triển quyền kiểm soát, bình định dân nguyên trú (1626–1636)

Việc đầu tiên mà người Hà Lan làm là trừng phạt các làng đã phản đối họ và thống nhất các sắc tộc nguyên trú dưới sự trung thành với Công ty Đông Ấn Hà Lan. Cuộc viễn chinh trừng phạt đầu tiên là nhằm chống lại các làng của người Bakloan và Mattau, nằm ở phía bắc của Saccam gần Tayowan. Chiến dịch chống người Mattau đã diễn ra dễ dàng hơn dự kiến và bộ lạc này đã chịu khuất phục sau khi ngôi làng của họ bị lửa thiêu trụi. Chiến dịch cũng nhằm đe dọa các làng khác từ Tirosen (Gia Nghĩa) đến Longkiau (Hằng Xuân). Trong khi chiến dịch bình định tiếp tục tại Đài Loan, thì trên biển, quan hệ với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng khi Hà Lan cố gắng đánh thuế các tàu tại eo biển Đài Loan, chiến tranh cuối cùng cũng đã nổ ra giữ nhà Minh và Hà Lan, đô đốc Trịnh Chi Long đã đánh bại quân Hà Lan trong Hải chiến vịnh Liệu La vào năm 1633.

Một số nhà truyền giáo người Hà Lan đã bị những người nguyên trú giết chết khi đang cố cải đạo: "Giáo lý viên, Daniel Hendrickx, người mà tên đã thường xuyên được nói đến, đã đi cùng với đội viễn chinh này về phía nam, do hiểu biết rất lớn của ông về ngôn ngữ Nam Đảo Đài Loan và cũng vì ông có quan hệ hữu hảo với dân bản xứ, sự phục vụ của ông có giá trị rất lớn. Khi tiến đến đảo Pangsuy, ông đã mạo hiểm, có lẽ là do tự tin thái quá, và đi quá xa so với những người khác, và đột nhiên ông bị một số lượng lớn các thổ dân có vũ trang vây quanh, những người này sau đó giết chết ông, mang đi chiến lợi phẩm là đầu, tứ chi của ông và các thành viên khác, thậm chí là cả ruột của ông, để lại cái thây bị cắt xẻ."[7]

Pax Hollandica và hất cẳng người Tây Ban Nha (1636–1642)

Sau các chiến dịch bình định vào năm 1635–6, thêm nhiều hơn nữa các ngôi làng thề trung thành với người Hà Lan, đôi khi là vì sợ hãi trước các hành động quân sự và đôi khi là vì các lợi ích mà người Hà Lan mang lại (lương thực, an ninh). Các làng này trải dài từ Longkiau ở phía nam (125 km từ căn cứ pháo đài Zeelandia đến Favorlang ở miền trung Đài Loan, 90 km về phía bắc từ pháo đài Zeelandia. Thời kỳ này tương đối yên tĩnh và được một số nhà bình luận gọi với cái tên Pax Hollandica (Thái bình Hà Lan)[1] (tham khảo từ Thái bình La Mã).

Một khu vực ở phía bắc của đảo Đài Loan không nằm dưới quyền kiểm soát của người Hà Lan, khu vực này từ năm 1626 đã bị người Tây Ban Nha thống trị, với hai khu định cư tại Đạm ThủyCơ Long. Công sự tại Cơ Long đã bị bỏ rơi vì người Tây Ban Nha thiếu các nguồn lực để duy trì nó, song pháo đài Santo Domingo tại Đạm Thủy được xem là một trở ngại lớn đối với tham vọng của người Hà Lan trên đảo và trong khu vực nói chung.

Năm 1642, người Hà Lan cử một đội viễn chinh gồm các binh lính và các chiến binh dân nguyên trú đi tàu đến Đạm Thủy, đánh bật số quân nhỏ người Tây Ban Nha khỏi pháo đài của họ và đẩy người Tây Ban Nha ra khỏi Đài Loan. Sau chiến thắng này, người Hà Lan đưa các làng ở phía bắc đảo vào dưới quyền kiểm soát của mình bằng cách tương tự như đã làm trong các chiến dịch bình định trước đó tại miền nam.

Sự hiện diện gia tăng của người Hán và khởi nghĩa Quách Hoài Nhất (1643–1659)

Người Hà Lan bắt đầu khuyến khích người Hán nhập cư đến đảo với quy mô lớn, chủ yếu là từ Phúc Kiến. Hầu hết các di dân là những người đàn ông đơn thân trẻ tuổi, họ chán nản với việc ở trên hòn đảo.[8] Sau một cuộc nổi dậy của người Hán vào năm 1640, cuộc nổi loạn của Quách Hoài Nhất vào năm 1652 đã chống lại người Hà Lan một cách có tổ chức, cuộc nổi dậy có nguyên nhân từ sự tức giận với việc đánh thuế khắc nghiệt và sự tham nhũng của các quan chức. Người Hà Lan đã dập tắt cuộc nổi dậy, 25% số người tham gia cuộc nổi dậy bị giết chết chỉ trong khoảng thời gian một vài tuần.[1]

Bao vây Zeelandia và chấm dứt chính quyền Hà Lan tại Đài Loan (1660–1662)

Hiệp ước hòa bình năm 1662, giữa Thống sứ CoyettTrịnh Thành Công

Năm 1661, một hạm đội gồm 200 tàu do một người trung thành với nhà Minh tên là Trịnh Thành Công lãnh đạo đã đổ bộ lên Lộc Nhĩ môn (鹿耳門) để tấn công Đài Loan nhằm tiêu diệt và trục xuất người Hà Lan ra khỏi Zeelandia. Sau chín tháng bao vây, người Hà Lan đầu hàng. Trịnh Thành Công sau đó buộc các đại diện địa phương của Công ty Đông Ấn Hà Lan ký kết một hiệp ước hòa bình tại Zeelandia vào ngày 1 tháng 2 năm 1662, và người Hà Lan phải rời khỏi Đài Loan. Từ đó trở đi, Đài Loan trở thành nền tảng cho Vương quốc Đông Ninh của Trịnh Thành Công.

Đoạn cuối: người Hà Lan chiếm lại Cơ Long (1664–1668)

Sau khi bị đẩy ra khỏi Đài Loan, người Hà Lan liên minh với nhà Thanh để chống lại chế độ của họ Trịnh tại Đài Loan. Sau một số vụ động độ, người Hà Lan đã tái chiếm pháo đài tại Cơ Long ở phía bắc đảo vào năm 1664.[9] Trịnh Kinh đã cử một đội quân đến đánh bật người Hà Lan, song đã không thành công. Người Hà Lan chiếm giữ Cơ Long cho đến năm 1668, khi gặp phải sự kháng cự từ dân nguyên trú (có khả năng bị Trịnh Kinh kích động) và không chiếm được bất kỳ lãnh thổ nào khác của hòn đảo, người Hà Lan đã từ bỏ thành trì cuối cùng của họ và rút lui khỏi Đài Loan.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Formosa_thuộc_Hà_Lan http://books.google.com/books?id=ywQTAAAAYAAJ&prin... http://www.newsreview.com/chico/Content?oid=692352 http://www.taiwanus.net/history/1/66.htm //dx.doi.org/10.1046%2Fj.1523-1739.1997.011004834.... //dx.doi.org/10.1353%2Fjwh.2006.0052 http://www.gutenberg-e.org/andrade/ //www.jstor.org/stable/2387316 http://www.taiwandocuments.org/koxinga.htm http://travel.network.com.tw/tourguide/point/showp... http://www.npm.gov.tw/exhbition/formosa/english/05...